Màn hình AMOLED siêu tiết kiệm điện với tính năng bền bỉ

Ngày:06/02/2016  
Cơ chế hoạt động của AMOLED đơn giản hơn cơ chế hoạt động của LCD rất nhiều. AMOLED, viết tắt của cụm từ Active-Matrix Organic Light-Emitting Diode, là màn hình phát các màu trực tiếp từ các đèn đi-ốt hữu cơ (organic diode) không cần tới lớp phân cực, tinh thể hay đèn nền như màn hình LCD. Nhờ cơ chế này, AMOLED có một số ưu điểm so với công nghệ LCD.

Cách thức hoạt động của màn hình AMOLED rất đơn giản: lớp bóng bán dẫn (transistor) ở dưới điều khiển dòng điện đi qua lớp đi-ốt hữu cơ ở trên, khi có dòng điện thì các đi-ốt ở lớp này sẽ phát sáng. Cường độ sáng có thể điều chỉnh bằng dòng điện trên các bóng bán dẫn, từ đó có thể tạo ra hàng triệu màu sắc giống như màn hình LCD.



Sơ đồ tấm hiển thị của màn hình AMOLED

Do các đi-ốt tự chúng phát sáng nên không cần thêm đèn nền để lọc màu. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm điện mà còn giúp màn hình mỏng hơn, một đặc điểm quan trọng khi mà các smartphone đang đua nhau trở thành sản phẩm mỏng nhất. Khi hiển thị màu đen, các đèn đi-ốt chỉ cần ngừng phát sáng và lúc đó không có nguồn sáng nào.

Tất nhiên, màn hình AMOLED cũng có những nhược điểm. Khi các điểm ảnh con (subpixel) màu xanh nhạt, xanh lá cây và màu đỏ được dùng để tạo ra đầy đủ các dải màu, nó đòi hỏi cần sử dụng các hợp chất hữu cơ khác nhau. Đặc tính của những hợp chất này rất khác nhau do đó rất khó để kiểm soát cường độ sáng phát ra từ các đi-ốt cho đều nhau ở bước sóng chính xác.

Điều này dẫn tới một số vấn đề. Giả sử đi-ốt phát ra 1 trong 3 màu sáng hơn các diode khác, màn hình sẽ bị biến màu đôi chút. Thường thì các đi-ốt phát ánh sáng xanh dương là nguyên nhân khiến cho các trang web có nền trắng bị ngả sang màu xanh. Thêm nữa, dù cho màn hình AMOLED thường cho màu sắc rất rực rỡ, song độ chính xác của màu sắc lại không được bằng màn IPS LCD.



Màn hình HD Super AMOLED trên Samsung Galaxy Note cho màu sắc rất rực rỡ

Vấn đề cuối cùng là thời gian sử dụng của mỗi loại đèn đi-ốt khác nhau: do mỗi màu là một hợp chất hữu cơ khác nhau nên chúng sẽ chỉ "sống" (phát ánh sáng) trong một thời gian và lượng thời gian cụ thể còn tùy thuộc vào màu. Ở thế hệ AMOLED đời đầu, các đèn đi-ốt phát sáng màu xanh dương "chết" nhanh gấp đôi đi-ốt màu xanh lá, tuy nhiên nhờ sự phát triển của công nghệ mà những thế hệ AMOLED gần đây không còn gặp vấn đề tương tự. Dù sao thì độ chính xác của màu sắc vẫn là vấn đề cần được cải thiện.

Cũng giống như màn hình LCD, có một số thương hiệu về màn hình AMOLED:

· Super AMOLED – thế hệ màn hình đầu tiên do Samsung sản xuất tích hợp điều khiển cảm ứng vào màn hình và có khả năng hiển thị tốt trong ánh nắng

· Super AMOLED Plus – thế hệ màn hình AMOLED mới của Samsung thay thế màn hiển thị ma trận PenTile bằng ma trận RGB, giúp hiển thị màu chuẩn xác hơn.

· HD Super AMOLED – một loại màn hình khác do Samsung sản xuất sử dụng ma trận PenTile. Chữ "HD" cho biết độ phân giải những màn hình này đều đạt đến chuẩn HD với mật độ điểm ảnh cao.

· ClearBlack AMOLED – công nghệ được Nokia sử dụng. Đây là loại màn hình AMOLED dùng công nghệ "ClearBlack", lớp phân cực chống chói giúp hiển thị tốt ngoài nắng


.www.Zcomity.com