Đôi Khi Rủi Ro Không Có Nghĩa Là Bạn Phải Thất Bại

Ngày:01/12/2019  
Elon Musk không phải lần đầu tiên ra mắt sản phẩm theo phong cách "Toang".

Chỉ là một gã triệu phú kiếm được tiền online rồi giờ muốn đốt tiền. Đó chính là lời đá đểu của mấy nhà thầu tên lửa khi Elon Musk nhảy sang làm công ty phóng tên lửa SpaceX hồi đầu.
Nhưng những lời đá đểu này không phải không có căn cứ khi Falcon - tên chiếc tàu phóng đầu tiên của SpaceX - đã 2 lần lộn cổ xuống biển khi phóng thử.

Musk tuyên bố gom góp tài sản cá nhân cùng số vốn kêu gọi đủ cho 3 lần phóng thử, và 2 lần đầu tiên đã tèo. Theo lý thuyết, SpaceX chỉ còn 1 cơ hội nữa.

Nhưng để tưởng tượng được mức độ điên rồ của SpaceX thời điểm đó, hãy cân nhắc phân tích của tác giả Shane Snow trong quyển Lối Tắt Khôn Ngoan (Smartcuts): từ những năm 1950, ngành tên lửa được chính quyền Mỹ tài trợ cho NASA với chi phí vô cùng đắt đỏ. Một sứ mệnh của tàu Space Shuttle mỗi lần tốn sương sương... 1 tỷ đô la.

Và mục tiêu của SpaceX là giảm thiểu chi phí trên mỗi kí-lô vật chất đưa lên không gian từ hàng ngàn đô xuống còn hàng chục đô. Hàng x000 xuống hàng x0.

Trước đó, SpaceX phát hiện ra rằng các chủ thầu dự án không gian bán các bộ phận với giá cao ngất. Nhiều nghiên cứu và phát triển cần các bộ phận chế tạo động cơ tên lửa, nên các công ty như Lockheed và Boeing bán những bộ phận này với giá rất cao, mặc dù các bộ phận này không tốn mấy chi phí—tựa như cái cách kẻ chế tạo ma túy bán ma túy với giá cắt cổ vậy. Musk nghĩ rằng công ty của ông có thể tự sản xuất mấy bộ phận tên lửa với giá rẻ hơn rất nhiều.

Lần phóng thứ 3 này của Falcon 1 nhất định phải thành công - vì trên danh nghĩa đây là cơ hội cuối cùng. Rất nhiều báo đài khắp thế giới đang quan tâm theo dõi...

Đồng hồ đếm lùi đang ở 10 giây trước khi phóng. Đám khói trắng lan nhẹ từ bệ phóng tên lửa.
Giây 9. Vệ tinh K-SAT yêu dấu của Kosta nằm ấm áp trong bụng Falcon 1, người ta cũng bắt đầu đếm bằng miệng.
8…7…6... Các cây cọ dừa xung quanh bệ phóng xào xạc trong cơn gió nhẹ Nam Thái Bình Dương.
5…4…3… Chuỗi động cơ bắt đầu chạy.  2… Khói tuôn phía dưới tên lửa. 1…Phóng lên... và toang. Lần thứ 3 cũng thất bại nốt. SpaceX lẽ ra đã kết thúc tại đây, nhưng với một người biết áp dụng lối tắt (smartcut) Tư Duy X10 như Musk, làm chuyện rất khó thì một chút toang cũng chả là gì...
5 tuần sau, ngày 28 tháng 9 năm 2008, Falcon lần đầu tiên phóng thành công lên không gian.
Tháng 12/2008, Musk ký hợp đồng trị giá 1,6 tỷ đô với NASA, dùng tên lửa của mình vận chuyển hàng cho Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Đơn hàng sau đó ùa về.

Falcon 1 dần được nâng cấp lên Falcon 9 bay mượt mà 7 lần vào tháng 12 năm 2013, chở cả chục vệ tinh thương mại với giá 54 triệu đô mỗi chuyến bay - chỉ 5% so với giá một chuyến bay của Space Shuttle.

Và tháng 9/2016, SpaceX ký kết với Facebook để phóng vệ tinh đầu tiên của mạng xã hội này vào không gian trên chiếc Falcon 9. Kết quả, tiếp tục... toang. Làm cho Mark Zuckerberg phải đăng status than phiền. Cổ phiếu và tài sản của Musk cũng bốc hơi khoảng 390 triệu đô la. Cú toang này cũng tốn không biết bao nhiêu giấy mực của truyền thông và viral khắp nơi.
Nhưng doanh thu của SpaceX kể từ thời điểm đó vẫn không ngừng tăng trưởng. Năm 2018, SpaceX ghi nhận doanh thu ước tính 8 tỷ đô la, đứng đầu thị phần phóng tên lửa toàn cầu.
Cho nên, nhìn chung, vụ bể kính khi ra mắt xe Tesla Cybertruck dẫu có toang thật hay toan tính thì Musk cuối cùng vẫn là người chiến thắng.


@Nguồn câu chuyện: Sách Lối Tắt Khôn Ngoan - Cách những kẻ đột phá, nhà đổi mới và thần tượng tăng tốc thành công. Các bạn quan tâm thì có thể mua tại tiki https://tiki.vn/author/shane-snow.html HOẶC ecoblader.com/sach