Nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

Ngày:09/07/2017  

a. Các dạng bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học Các vấn đề có ý nghĩa được đưa ra trong tác phẩm văn học được đưa ra từ hai nguồn chính:


- Từ các tác phẩm văn học đã được học trong chương trình.


- Từ các mẩu truyện nhỏ hoặc những văn bản ngắn gọn học sinh có thể chưa được học nhưng tương đối dễ tiếp nhận.

Ví dụ:

Đề 1. Triết lí vê việc đỗ, trượt trong thi cử của thân phụ Đặng Huy Trứ (văn bản Cha tôi trong Ngữ văn 11 Nâng cao) gợi cho anh chị suy nghĩ gì về việc thi cử của bản thân? Đề 2. Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nhân vật Trương Ba nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Câu nói trên để lại cho anh (chị) những suy nghĩ gì?

Đề 3. Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, nghĩ về danh và thực trong xã hội chúng ta ngày nay.

Đề 4. Bài thơ Tôi yêu em của Pu-skin và những suy nghĩ của anh (chị) về một tình yêu tuyệt đẹp.

Đề 5. Suy nghĩ của anh (chị) từ câu chuyện sau:

Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300 kilomet. Khi bước ra khỏi xe anh thấy một bé gái đang đứng khóc trên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

- Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó khóc nức nở - nhưng cháu chỉ có bảy mươi lăm xu trong khi giá hoa hồng lên đến hai đô la.

Anh mỉm cười và nói với nó:


- Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời

- Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:

- Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.

Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa hủy bỏ dịch vụ mua hoa vừa rồi và mua một bó hoa hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300 kilomet về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.

Để làm tốt dạng bài này, học sinh trước hết phải đọc kĩ văn bản, xác định đúng vấn đề nghị luận, từ đó vận dụng kiến thức và sự hiểu biết về đời sống xã hội, những kinh nghiệm và sự trải nghiệm của chinh bản thân để làm bài. Bài viết có thể được lập với hai phần lớn:

- Nêu và phân tích ngắn gọn vấn đề được đặt ra trong tác phẩm.


- Phát biểu nhứng suy nghĩ và tình cảm của mình về vấn đề đó nhân đọc tác phẩm.

b. Cách lập dàn ý

Đảm bảo bố cục 3 phần:
- Mở bài:

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm có vấn đề nghị luận.

+ Giới thiệu vấn đề được đưa ra bàn bạc.

- Thân bài:

+ Nêu vấn đề được đặt ra trong tác phẩm văn học, phần này người viết phải vận dụng kĩ năng đọc - hiểu văn bản để trả lời các câu hỏi: Vấn đề đó là gì? Được thể hiện như thế nào trong tác phẩm? Cần nhớ, tác phẩm văn học chỉ là cái cớ để nhân ý kiến đó mà bàn bạc, nghị luận về vấn đề xã hội, vì thế không nên đi quá sâu vào việc phân tích tác phẩm mà chủ yếu rút ra ý nghĩa khái quát để bàn bạc vấn đề có ý nghĩa xã hội.

+ Từ vấn đề được rút ra, người viết tiến hành làm bài nghị luận xã hội, nêu những suy nghĩ của bản thân mình về vấn đề ấy. Học sinh nên tham khảo lại cách thức làm bài nghị luận xã hội (về tư tưởng đạo lí, về một hiện tượng của đời sống) để làm tốt phần này.

Kết bài:-

+ Khẳng định ý nghĩa của vấn đề trong việc tạo nên giá trị của tác phẩm.


+ Từ vấn đề được bàn luận rút ra bài học cho bản thân.