Việt Nam: Cảnh Sát Phát Hiện Hơn 2.200 Vụ Mua Bán Nam giới, Nội Tạng Và Bào Thai Trẻ Sơ Sinh

Ngày:06/08/2016  

Do thu lợi cao và nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều nên loại tội phạm bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Phần lớn tội ác này có nguồn gốc từ Trung Quốc, quốc gia với hơn 4 triệu người chết vì các loại bệnh ung thư mỗi năm do ô nhiễm không khí và nguồn nước trầm trọng, do các chất thải công nghiệp than- thép hóa chất trên diện rộng. Chính vì điều này khiến cho quốc gia với dân số hơn 1,3 tỷ người có nhu cầu tiêu thụ nội tạng rất lớn.

Tội phạm mua bán người không chỉ nhằm vào phụ nữ nghèo, trẻ em mà còn buôn bán cả nam giới, bào thai, nội tạng.

Sáng 14/7, phát biểu trong cuộc họp báo “ngày toàn dân phòng chống mua bán người", Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, trong 5 năm gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, xu hướng tăng. Cả nước phát hiện hơn 2.200 vụ (tăng 11,6% so với cùng kỳ) với gần 4.500 nạn nhân, bắt hơn 3.300 nghi can.

Tội phạm mua bán người xảy ra trên diện rộng ở cả 63 tỉnh, thành, có cả mua bán trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, nội tạng, đẻ thuê...

"Có vụ ở Cần Thơ tới 75 công nhân nam bị lừa bán cho các chủ lò gạch, chủ khai thác mỏ ở Trung Quốc", tướng Hòa nói.

Canh sat phat hien nhieu vu mua ban bao thai va noi tang - Anh 1

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an).

Ngoài lý do siêu lợi nhuận từ mua bán người, nhà chức trách chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này còn bởi mất cân bằng về giới, khó khăn về kinh tế, do thông thoáng trong xuất nhập cảnh và sự nhẹ dạ cả tin của người dân... Đặc biệt, hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực.

Đại tá Lê Văn Chương (Phó Cục trưởng Cục tham mưu cảnh sát) cho hay, nạn nhân của những vụ buôn bán người chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng núi. Đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gặp éo le về tình cảm. Cũng có một số cô gái thích hưởng thụ muốn lấy chồng nước ngoài nên bị lừa.

Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hàng năm có tới gần 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức trên toàn thế giới. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu trẻ em bị buôn bán. Một phần ba số phụ nữ và trẻ em xảy ra ở Đông Nam Á hoặc xuất phát từ khu vực này.

Vị đại diện kiến nghị Việt Nam nên thực hiện một nghiên cứu quốc gia toàn diện về vấn đề buôn bán người, tập trung vào buôn bán người vì mục đích cưỡng bức lao động, nhằm thiết lập cơ sở cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn và định hướng cho các hoạt động can thiệp khác.

Cũng trong buổi họp báo, Bộ Công an công bố ngày 30/7 là “ngày toàn dân phòng chống mua bán người", theo Quyết định số 793 của Thủ tướng.





Nguồn: Người đưa tin